Kho báu Yamashita Tomoyuki

Từ cuối năm 1944, khi Nhật thua trận và sắp đầu hàng Quân Đồng minh, Yamashita Tomoyuki nhận được lệnh bằng mọi cách phải đưa toàn bộ số của cải về Nhật. Tuy nhiên, âm mưu này bị Quân Đồng minh phát hiện tìm cách ngăn chặn. Trước tình thế đó tướng Yamashita Tomoyuki đã đưa ra phương án cho phép quân đội Nhật bí mật chôn giấu tại các địa điểm ven biển. Ở vị trí mỗi kho báu được lập một tấm bản đồ duy nhất, giao cho một người cất giữ. Khi đó người Nhật đã tính tới việc sẽ quay lại để lấy kho báu này vì đường biển sẽ thuận lợi và an toàn hơn đường bộ.

Philippines

Việt Nam

Đoàn tàu hơn trăm chiếc chở của quí gồm cao su, thiếc, vàng bạc châu báu khai thác được ở các nước Đông Nam Á, men theo bờ biển Việt Nam, qua Trung Quốc để về Nhật Bản. Mỗi chiếc tàu có trọng tải từ 3.000 đến 3.500 tấn. Khi đi đến vùng biển miền Trung Việt Nam thì bị Quân Đồng minh ném bom. Khoảng 127 con tàu bị đắm ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Phú Yên, Bình Thuận.[7]

Trước năm 1975

Năm 1946, ngay khi quay trở lại Bán đảo Đông Dương, người Pháp đã lập ra ngân sách vớt tàu và dùng chung cho toàn cõi Đông Dương, sau khi trục vớt xong thì ngân sách này đóng tài khoá vào 31 tháng 12 năm 1951.

Năm 1948, Pháp muốn nhập số tiền bán sắt, thép, đồng… vớt lên vào ngân sách vớt tàu để tiếp tục trục vớt những chiến hạm khác, khai thông thuỷ lộ. Nhưng Quốc gia Việt Nam khi ấy không chấp nhận, cho rằng sắt, thép, đồng… vớt lên từ những chiến hạm chìm trong hải phận Việt Nam không thuộc quyền sở hữu của người Pháp nữa. Bộ Tài chánh Quốc gia Việt Nam dẫn Điều 14, khoản 1, đoạn 2 của Hiệp ước San Francisco năm 1951: "Mỗi quốc gia Đồng Minh được quyền sai áp, thanh toán hay sử dụng các tài sản của phát xít Nhật hiện hữu trong khu vực thẩm quyền của quốc gia ấy". Vào lúc Hiệp ước phê chuẩn thì xác những con tàu này đã nằm trong lòng hải phận của Việt Nam. Chính vì vậy mà ngày 16 tháng 10 năm 1953, chính phủ Quốc gia Việt Nam thông báo quan điểm trên cho Toàn quyền Đông Dương biết, đồng thời yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền bán sắt, thép, đồng… vớt lên từ xác những con tàu chiến vào Ngân khố Quốc gia Việt Nam.

Cùng thời gian này, Bộ Công chánh đã gửi công thư cho Cao uỷ Pháp biết đã ký kết với hãng tàu Kitagawa của Nhật một khế ước thương mại, giao cho hãng này trục vớt 17 xác tàu chiến chìm ở vùng biển Vũng Tàu và trên sông Sài Gòn. Khế ước một lần nữa gián tiếp xác nhận quyền sở hữu của Việt Nam đối với các xác tàu chìm. Tuy nhiên, hãng Kitagawa đã không thi hành đầy đủ các nghĩa vụ ghi trong khế ước nên đến tháng 5 năm 1957, Đệ Nhất Cộng hòa đã ra Nghị định 187 bãi bỏ khế ước và tịch thu 360.000 đồng bạc tiền ký quỹ trục vớt, cùng với 10.000 USD tiền đảm bảo khởi công trục vớt vào ngày 11 tháng 6 năm 1953 của hãng này. Đồng thời toà án Sài Gòn khi đó còn tuyên tịch thu các dụng cụ thi công trị giá 1.142.460 đồng bạc, bắt hãng này nộp phạt 1.895.375 đồng bạc cho Nha quan thuế Sài Gòn.[8]

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ít nhất vài lần đã cho tìm kiếm. Tuy nhiên, các tài liệu trên đều chưa thống nhất về số lượng tàu Nhật chở của cải bị đánh chìm trong đó có thể có 4 - 5 tàu chở vàng bạc đá quý. Mặt khác cũng chưa có tài liệu nào đề cập đến những thanh kiếm quý của Samurai trên những con tàu này.

Năm 1964, một số ngư dân ở Quảng Ngãi như ông Phan Chu Tế (thực ra là ông Huỳnh Văn Hườn mới là người kể cho ông Tế viết đơn) đã có đơn xin tướng Nguyễn Khánh cho trục vớt “kho báu” này.[7]

Trung tuần tháng 1 năm 1964, Tổng thư ký Phủ tổng thống Cao Đình Tiêu đã âm thầm chấp bút và trao cho trung tướng Chủ tịch hội đồng nội các chiến tranh Dương Văn Minh một bản phúc trình đặc biệt đóng dấu "tuyệt mật" dài 7 trang giấy A4. Người viết bản phúc trình cho thấy đã cố gắng đề cập chi tiết về kế hoạch khai thác 83 tàu chiến của phát xít Nhật bị quân Đồng Minh đánh chìm được cho là nằm trong hải phận Việt Nam. Bao gồm 64 chiếc chìm ở ngoài biển, 8 chiếc chìm ở sông và 11 chiếc chìm ở khu vực cảng Sài Gòn. Hầu hết số tàu chiến nói trên bị đánh chìm cùng ngày 17 tháng 1 năm 1945, được xác định từ đèo Hải Vân trở vào Sài Gòn. Trong tổng số 83 chiếc tàu nói trên, có 57 chiếc được bản phúc trình khẳng định là có đầy đủ bản đồ vị trí, tọa độ, kinh độ, vĩ tuyến, độ chìm sâu của mỗi tàu. Bản phúc trình đặc biệt còn lưu ý đến một đoàn tàu 8 chiếc khác mà phát xít Nhật cướp của quân Anh ở Hương Cảng. Chỉ ít ngày sau đó đoàn tàu này chạy vào hải phận Việt Nam đã bị oanh tạc cơ của Đồng Minh đánh chìm dọc theo bờ biển từ Bình Định đến Vũng Tàu. Trong số này có 4 chiếc mang tên TANASAGO (tải trọng 851 tấn), HOMAN (1.100 tấn), SHINSHU (4.180 tấn), và chiếc tàu có tên KENSHO (4.643 tấn) là quan trọng nhất, vì trên tàu chở đầy những chiến lợi phẩm quý giá như vàng, bạc và kim cương. Tất cả được đóng thành những thùng gỗ, bên ngoài nẹp sắt, ước tính trị giá hơn 100 tỷ bạc. Vào thời điểm chấp bút bản phúc trình, người viết nói số tiền trên gần bằng 5 năm số thu ngân sách của chính quyền Sài Gòn hiện tại.

Ngoài các tàu chiến của Nhật Bản, bản phúc trình còn xác định thêm 16 tàu chiến của Pháp và 25 tàu chiến của quân Đồng Minh khác bị đánh chìm trong hải phận Nam Việt Nam, nâng tổng số lên 124 chiếc. Trong số này có 2 chiến hạm của Pháp là Amiral Charner và Lamothe Picquet.[8]

Sau năm 1975

Đầu năm 1983, hai bên Việt - Nhật đã bắt đầu đàm phán truy tìm xác định tọa độ đoàn tàu đắm và tổ chức trục vớt kho báu dự kiến là khổng lồ này. Trong các cuộc đàm phán, phía Việt Nam có đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải (chủ trì). Văn bản công khai chỉ đề cập đến việc tìm tọa độ và trục vớt những con tàu đắm chở đầy cao su và thiếc, tỷ lệ ăn chia là Việt Nam: 6, Nhật Bản: 4. Nếu phát hiện trục vớt được vàng thì tỷ lệ ăn chia là Việt Nam: 8, Nhật Bản: 2. Tuy nhiên, trong đoàn tàu trên có một số tàu chở đầy vàng. Đây mới là mục tiêu chính cả hai bên đều quan tâm. Trên bàn đàm phán, “kho vàng” chỉ được đề cập chung chung nhưng hai bên đều hiểu, đây mới là vấn đề cốt lõi của dự án vì thế đều âm thầm chuẩn bị mọi tình huống cho kế hoạch “B” này.

Ngày 29 tháng 11 năm 1984 Nhật cho tàu trục vớt Kaiko 23, tải trọng 480 tấn cùng toàn bộ thủy thủ đoàn (trong đó có hai người Việt Nam), cập cảng Quy Nhơn. Theo kế hoạch, trước mắt trục vớt bốn con tàu đắm ở vùng biển Nghĩa Bình là: Tàu Engi Maru (chở 500 tấn thiếc), Tàu Daietsu Maru (chở 570 tấn thiếc), Tàu Yoshu, Tàu Otsusen.

Khoảng tháng 6 năm 1985, Nhật rút tàu Kaiko 23 về nước và đưa tàu Kaiyo tải trọng 1030 tấn sang thay. Thợ lặn xuống các khoang tàu đắm, khai thác lấy hiện vật, cho vào lồng sắt kéo lên. Hiện vật lấy được chủ yếu là thiếc và cao su đã đóng thành khối.

Vì nhiều lý do, dự án phải dừng lại vào khoảng tháng 10 năm 1985. Phía Nhật đã trao cho Việt Nam bản đồ tọa độ những con tàu đắm. Đến nay, kho báu vẫn nằm im dưới đáy biển miền Trung. Có ý kiến cho rằng: không kể những con tàu chở vàng, nếu Việt Nam tổ chức khai thác trục vớt thiếc và cao su, thì số lượng cũng rất lớn.[7]

Kho báu Núi Tàu

Những năm gần đây, có lời đồn về kho báu 4.000 tấn vàng tại tại núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận [9]. UBND tỉnh Bình Thuận kể từ năm 1993 đến năm 2015 đã nhiều lần cấp phép, gia hạn phép cho ông Trần Văn Tiệp (mất 2016, 101 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh [10]) tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn đó, song việc tìm kiếm của ông vẫn không có kết quả [11]. Năm 2016 một người khác là ông Nguyễn Văn Đợi (ngụ TP.Hồ Chí Minh) khai báo về 3 giếng cổ chứa kho báu ở sát biển và cách núi Tàu chừng 1 km [12]. Tuy nhiên tháng 04 năm 2016 sau khi thẩm tra thì UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định thông tin kho báu là hoàn toàn không có căn cứ, và yêu cầu không để tình trạng lợi dụng "hoang tin" tiếp diễn.

Tính hoang tưởng về kho báu hiện rõ ở chỗ vàng có khối lượng riêng (tỷ trọng) là 19,3 g/cm3 tức 19,3 tấn/m3, khối vàng 4.000 tấn có thể tích hơn 200 m3, to bằng một căn hộ 5m x 16m x 2,5m. Đào được cái hầm to như vậy trong núi đá hoa cương rất cứng, rồi dùng hơn 1000 chuyến xe loại 4 tấn để vận chuyển, là một công trường ầm ỹ, để lại rất nhiều dấu vết như bãi thải đá, đường đi, và cửa hầm cũng đủ rộng cho người xe ra vào. Nó đâu đơn giản chỉ là "thuê người dân tộc địa phương xách lên chôn giấu" ở khe núi [lower-alpha 1] hay đem vùi ở cái giếng cổ [13].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Yamashita Tomoyuki http://caselaw.lp.findlaw.com/scripts/getcase.pl?c... http://www.historynet.com/magazines/world_war_2/30... http://www.historynet.com/magazines/world_war_2/30... http://www.streetdirectory.com/travel_guide/singap... http://ww2db.com/person_bio.php?person_id=A32 http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://www.waikato.ac.nz/wfass/subjects/history/wa... http://www.waikato.ac.nz/wfass/subjects/history/wa... http://japanfocus.org/article.asp?id=392 http://www.supremecourthistory.org/myweb/81journal...